Chức vụ Pieter_van_Vollenhoven

Pieter van Vollenhoven từng được biết đến với cương vị là Chủ tịch của Ủy ban An toàn Hà Lan cho đến khi ông về hưu năm 2011. Bên cạnh đó, ông từng được mục sư Tjerk Westerterp bổ nhiệm làm Chủ tịch của Ủy ban An toàn Giao thông đường bộ và Ủy ban Tai nạn Đường sắt. Sau vụ tai nạn máy bay El Al 1862 và máy bay Hercules 1996 của Lực lượng Không quân Bỉ, Hội đồng An toàn Giao thông (tiếng Hà Lan: Raad voor de Transportveiligheid) đã được thành lập dựa trên sự sáp nhập Ủy ban An toàn Giao thông Đường bộ và Ủy ban Tai nạn Đường sắt, nhằm chịu trách nhiệm điều tra nguyên nhân của hai vụ tai nạn nói trên. Lúc đó, Pieter van Vollenhoven nhận ra rằng, đất nước nên có một Ủy ban riêng chuyên điều tra các vụ tai nạn liên quan đến vấn đề an toàn giao thông. Suy nghĩ này của ông sau đã được trình lên Quốc hội và được Quốc hội thông qua. Theo đó, Chính phủ đã sáp nhập Hội đồng An toàn Giao thông thành một Ủy ban An toàn chung, với Pieter van Vollenhoven là Chủ tịch đầu tiên.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực An toàn Giao thông, ngày 1 tháng 10 năm 2005, Pieter đã được Đại học Twente mời về làm Giáo sư giảng dạy. Tại đây, ông đồng thời được bổ nhiệm vào Ban Nghiên cứu Chính sách, một nhóm nhỏ của Ban Quản lý Rủi ro.

Năm 1989, Pieter đã thành lập, đồng thời cũng trở thành Chủ tịch của Quỹ Hỗ trợ Nạn nhân Hà Lan. Ngoài ra, ông còn đảm nhiệm vai trò Chủ tịch của Quỹ Nationaal Groenfonds, Hiệp hội Cảnh sát và An toàn, Quỹ Phục hồi Quốc gia, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc tế; và là thành viên của Hội đồng An toàn Giao thông châu Âu.

Hoạt động tiêu biểu

Với vai trò là Chủ tịch của Ủy ban An toàn, Pieter van Vollenhoven đã từng tham gia vào công cuộc điều tra vụ Schipholbrand - một vụ cháy tại cơ sở của những người di dân bất hợp pháp ở Hà Lan. Báo cáo cuối cùng về những bằng chứng phá hoại được tìm thấy trong vụ cháy có liên quan đến các Bộ trưởng Hà Lan là Piet Hein Donner và Sybilla Dekker đã được Pieter công bố vào ngày 21 tháng 9 năm 2006. Kết quả là cả Donner và Dekker đều nộp đơn xin từ chức. Tuy nhiên, mặc dù có liên quan đến vụ việc nói trên nhưng Bộ trưởng Rita Verdonk lại không chấp nhận từ chức.

Van Vollenhoven cũng từng chỉ huy đội điều tra của Ủy ban An toàn trong vụ tai nạn của chuyến bay 1951 của Turkish Airlines.[1] Vụ điều tra đã khiến cho mối quan hệ giữa ông và Bộ Tư pháp trở nên căng thẳng sau khi cơ quan này yêu cầu được truy cập các thông tin trong hộp đen của chiếc máy bay bị nạn nhưng đã bị ông từ chối. Ông cho rằng tại thời điểm đó, không có chứng cứ nào chứng minh rằng vụ tai nạn xảy ra là do phá hoại hay cuộc điều tra của Bộ An toàn sẽ là mối đe dọa pháp lý đối với các cá nhân, nên việc truy cập thông tin của Bộ Tư pháp là không cần thiết.[2]